Nhờ Google ‘bắt mạch’ nền kinh tế
Số lượng tìm kiếm trên Google sẽ giúp các chuyên gia dự đoán xu hướng của nền kinh tế. Nhiều người tìm mua ôtô trên mạng có thể là tín hiệu doanh số ôtô sẽ tăng.
Cô Margo Sugarman phải mất hàng tháng tìm kiếm trên Google mới mua được một cái bếp đôi, máy trộn ít ồn và các thiết bị khác cho căn bếp trong mơ của mình. Không chỉ giúp Sugarman mua được đồ như ý, website này còn hỗ trợ Ngân hàng trung ương Israel trong việc đánh giá chính xác tình hình của nền kinh tế.
Cơ quan này phân tích từ khóa trên Google ở mọi lĩnh vực, từ các lớp tập thể dục thẩm mỹ đến máy giặt hay tủ lạnh để đánh giá nhu cầu người tiêu dùng trước khi công bố số liệu chính thức. Tuy nhiên, họ không phải là ngân hàng duy nhất áp dụng phương pháp này. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), Ngân hàng Trung ương Anh, Canada, Italy, Tây Ban Nha, Thổ Nhĩ Kỳ và Chile đều đang bắt tay vào nghiên cứu liệu số lượng tìm kiếm trên Google có liên quan đến xu hướng kinh tế hay không.
Ông Erik Brynjolfsson – Giáo sư tại Đại học Công nghệ Massachusetts (Mỹ) cho biết: “Việc này sẽ giúp các ngân hàng trung ương hành động nhanh nhạy hơn. Vì khi nghiên cứu số liệu truyền thống, họ luôn có cảm giác như đang nhìn gương chiếu hậu vậy”.
Bộ Thương mại Mỹ thường công bố báo cáo bán lẻ hằng tháng hai tuần sau khi tháng đó kết thúc. Còn Google thì có sẵn dữ liệu chỉ sau 1 – 3 ngày.
Trong một bản báo cáo năm 2011, Tany Suhoy – một nhà kinh tế cấp cao tại Ngân hàng Trung ương Israel đã phát hiện dữ liệu từ Google có thể dự đoán trước suy thoái ở Israel. Các chuyên gia kinh tế từ 6 ngân hàng trung ương khác, bao gồm cả FED, cũng bắt đầu nghiên cứu những vấn đề như: Liệu việc mọi người tìm ôtô trên mạng nhiều hơn có thể dự đoán doanh số ôtô sẽ tăng hay không? Hoặc nhiều người tìm hiểu về trợ cấp thất nghiệp có nghĩa là tỷ lệ thất nghiệp sẽ tăng cao không?
Tuy nhiên, kể cả những người ủng hộ Google mạnh mẽ nhất cũng thừa nhận làm việc này phải rất thận trọng. Vì công cụ search chỉ giới hạn ở người dùng Internet, nên số liệu từ người nghèo và người già – đối tượng ít tiếp xúc với công nghệ – sẽ bị bỏ qua. Lucrezia Reichlin – giáo sư tại Trường Kinh doanh London cho biết: “Google là một công cụ rất có tiềm năng. Nhưng tôi cho rằng hiện tại, dùng nó để dự đoán các số liệu vĩ mô là không hoàn toàn đáng tin. Chúng ta cần phải nghiên cứu thêm bên ngoài nữa”.
Dù có nhiều hạn chế, nhưng Ngân hàng Trung ương Anh cũng đã bắt đầu nghiên cứu công cụ mới mẻ này. Theo báo cáo tháng 6/2011 của hai nhà nghiên cứu Nick McLaren và Rachana Shanbhogue, các dữ liệu việc làm có thể được dự đoán dựa trên sự phổ biến của cụm từ tìm kiếm JSA (trợ giúp người tìm việc). Còn ở Ngân hàng trung ương Tây Ban Nha, Concha Artola và Enrique Galán đã phân tích các tìm kiếm liên quan đến du lịch trong báo cáo tháng 3/2012 và kết luận chúng có thể dự đoán số khách Anh đến Tây Ban Nha trước gần một tháng.
Tại FED New York, Rebecca Hellerstein và Menno Middeldorp cũng so sánh độ phổ biến của cụm từ “tái cấp vốn vay thế chấp” với số đơn xin tái cấp vốn được nộp. Họ phát hiện ra rằng mô hình dự đoán có dữ liệu của Google cho ra chỉ số chính xác hơn mô hình không có. Chủ tịch FED San Francisco – John Williams cho biết: “Việc này thật thú vị. Google là kho dữ liệu khổng lồ giúp chúng ta hiểu rõ hơn điều gì đang diễn ra trong thời gian thực”.
Thiều Linh (VnExpress)
Theo Business Week