Bài học về xây dựng và bảo hộ thương hiệu cho các doanh nghiệp du lịch khi chuyển dịch từ offline sang online

Bài học về xây dựng và bảo hộ thương hiệu cho các doanh nghiệp du lịch khi chuyển dịch từ offline sang online

Trước sự bùng nổ của du lịch trực tuyến trong Cách mạng công nghiệp 4.0, việc ứng dụng các công nghệ cao nhằm mở rộng thị trường và nâng cao hiệu quả kinh doanh là xu hướng tất yếu. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp mải mê chạy theo các xu hướng công nghệ mới mà quên mất rằng, việc tăng sức cạnh tranh trên thị trường mục tiêu xuất phát đơn giản từ việc xây dựng và bảo hộ tên miền thương hiệu trên môi trường mạng.

Nhận thức về xây dựng và bảo hộ thương hiệu doanh nghiệp với tên miền quốc gia “.VN” còn chưa đầy đủ

Nhân Ngày Du lịch trực tuyến 26/6/2019, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, chuyên gia hoạt động trong lĩnh vực du lịch, công nghệ thông tin, tiếp thị, kinh doanh trực tuyến đã tụ hội cùng thảo luận về công nghệ thông tin và giải pháp truyền thông tiên tiến để hỗ trợ triển khai kinh doanh trực tuyến. Bên cạnh các số liệu về tốc độ phát triển, chỉ số cạnh tranh của doanh nghiệp trong ngành, ông Trần Minh Tân – Giám đốc Trung tâm Internet Việt nam đã đưa ra con số đáng báo động về tình hình sử dụng tên miền quốc gia trong kinh doanh du lịch tại Việt Nam. Trên tổng số 481.428 tên miền quốc gia “.VN” đã đăng ký sử dụng, chỉ có 760 tên miền được sử dụng trong ngành du lịch trong khi hơn 40.000 doanh nghiệp hiện đang hoạt động trong ngành nghề này. Con số phần nào phản ảnh sự “chủ quan” trong việc xây dựng và bảo hộ thương hiệu du lịch của các doanh nghiệp trên môi trường trực tuyến.

Ông Trần Minh Tân – Giám đốc VNNIC chia sẻ về tình hình sử dụng tên miền quốc gia trong kinh doanh du lịch trực tuyến tại Tọa đàm Ngày Du lịch trực tuyến 2019

Tuy con số 760 tên miền quốc gia “.VN” được sử dụng trong ngành du lịch (được rà soát theo các cụm từ liên quan đến ngành du lịch) chưa thể phản ánh hết về xu hướng và hiện trạng hoạt động của du lịch trực tuyến tại Việt Nam nhưng cũng phần nào cho thấy việc nhận thức về xây dựng và bảo hộ thương hiệu Việt còn chưa đầy đủ. Bên cạnh email, Website được coi là một trong những phương tiện phản ánh sát thực nhất về việc ứng dụng CNTT trong kinh doanh thương mại. Dù mạng xã hội, cụ thể là Facebook tại Việt Nam, luôn dẫn đầu là kênh doanh nghiệp tin dùng nhiều nhất để hỗ trợ quảng cáo (theo số liệu từ Báo cáo chỉ số thương mại điện tử năm 2019, tỷ lệ doanh nghiệp có dùng mạng xã hội để quảng cáo lên tới 49%) nhưng chỉ có Website mới là kênh đo kiểm tỉ lệ chuyển đổi, phân tích hành vi online hữu hiệu cho doanh nghiệp. Đặc biệt, Website gắn liền tên miền quốc gia “.VN” không chỉ giúp khẳng định uy tín của doanh nghiệp mà còn là phần hạ tầng quan trọng cung cấp dịch vụ thanh toán trực tuyến đảm bảo an toàn, tin cậy cho cả doanh nghiệp và người sử dụng. Do việc đăng ký, sử dụng tên miền quốc gia “.VN” phải đảm bảo công khai, minh bạch, danh tính chủ sở hữu Website gắn với tên miền “.VN” được xác nhận và có sự bảo hộ của Nhà nước về hoạt động của doanh nghiệp, tạo sự an tâm nơi khách hàng. Qua đó, nguồn thông tin được cung cấp từ các Website này cũng đảm bảo hơn so với các nguồn thông tin được cung cấp trên các trang mạng xã hội.

Theo chia sẻ của một số chuyên gia tại Diễn đàn Ngày du lịch trực tuyến 2019, nhiều chủ doanh nghiệp lớn thậm chí còn không phải là chủ sở hữu tên miền, lơ là trong việc đảm bảo quyền “tài sản thương hiệu trên môi trường mạng”. Có thể thấy, không ít doanh nghiệp đã bị “trừ điểm” khi dịch chuyển sang môi trường trực tuyến.

Tận dụng tài nguyên Internet quốc gia nâng cao sức cạnh tranh và quảng bá cho doanh nghiệp cung cấp dịch vụ du lịch tại Việt Nam

Trước sự chuyển dịch tất yếu từ offline lên online của kinh doanh du lịch tại Việt Nam, doanh nghiệp Việt cần có giải pháp để nâng cao sức cạnh tranh khi tỉ lệ 13 người thì có 1 người làm du lịch, chưa kể đến các doanh nghiệp start-up non trẻ phải chịu “cái bóng” quá lớn của các “ông lớn” nước ngoài. Để không bị thua thiệt ngay trên chính “sân nhà”, trước hết cần đảm bảo nền hạ tầng vững chắc và tạo trải nghiệm trực tuyến tốt đẹp cho khách hàng với Website gắn với tên miền quốc gia đẹp, dễ nhớ và gần với tên thương hiệu của doanh nghiệp.

Phiên tọa đàm Sự bùng nổ của Du lịch trực tuyến tại Ngày du lịch trực tuyến 2019 ngày 26/6/2019

Cũng theo quan điểm của ông Trần Minh Tân, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ du lịch trực tuyến cần xác định đúng đắn về thị trường khi cung cấp dịch vụ cho khách hàng Việt Nam đi quốc tế và khách quốc tế vào thị trường Việt. Vấn đề cạnh tranh với những “gã khổng lồ nước ngoài” là một bài toán nan giải nếu doanh nghiệp du lịch Việt không nâng bảo bản sắc, thương hiệu Việt trên môi trường mạng. Việc sử dụng tên miền “.VN” tạo lợi thế vượt trội hơn khi khai thác thị trường tại “sân nhà” bởi đây là công cụ bổ trợ cho doanh nghiệp định danh rõ nét trên môi trường Internet, nhắm đến đối tượng khách hàng Việt. Khách quốc tế khi truy cập Website hoặc tìm kiếm trên các công cụ có thể dễ dàng nhận biết được doanh nghiệp đó thuộc quốc gia nào. Qua đó, thương hiệu được nâng tầm, mức độ uy tín của doanh nghiệp được nâng cao ngay từ trải nghiệm online đầu tiên. Do đặc tính ưu tiên về khu vực địa lý, việc hiển thị các Website tên miền quốc gia “.VN” mang lại hiệu quả cao hơn trên các kênh tìm kiếm (Google, Bing,…), đặc biệt khi người dùng có địa chỉ IP trong nước; qua đó giúp giảm thiểu chi phí đầu tư quảng cáo cho doanh nghiệp trên các kênh tiếp thị trực tuyến.

Đối với một số doanh nghiệp nhắm đến thị trường toàn cầu, ông Ngô Minh Đức – Chủ tịch Gotadi chia sẻ rằng, bên cạnh việc sử dụng tên miền quốc tế, Gotadi cũng đã đăng ký bao vây các tên miền quốc gia “.VN” để bảo hộ nhãn hiệu của mình. Trong “bài toán thương hiệu” này, các tập đoàn, công ty lớn cần thường xuyên theo dõi, đăng ký bao vây tên miền để tránh các trường hợp giả mạo, tranh chấp tên miền gây tổn thất lớn về thời gian, kinh phí và thậm chí là mất đi lượng lớn khách hàng khi có sự nhầm lẫn về thương hiệu trên môi trường mạng.

Tại Diễn đàn Ngày du lịch trực tuyến 2019, các doanh nghiệp cung cấp du lịch tại Việt Nam không chỉ được trao đổi về xu hướng thị trường mà còn được cung cấp thêm những kiến thức về hạ tầng, tài nguyên Internet quốc gia nhằm bổ trợ cho quảng bá, mở rộng thị trường, nâng cao hiệu quả kinh doanh trực tuyến và góp phần đảm bảo an toàn thông tin trên môi trường mạng. Qua đây, chắc chắn doanh nghiệp sẽ thay đổi cách nhìn nhận về việc chuyển dịch từ offline sang online từ những vấn đề cơ bản nhất như tận dụng tài nguyên Internet quốc gia để nâng cao sức cạnh tranh bền vững và công bằng tại sân nhà trên môi trường mạng.

VNNIC

Chia sẻ bài viết này