Đó hỏi, đây trả lời thời… online
Có những câu hỏi mà bạn biết chắc rằng những người xung quanh không thể trả lời. Đại loại như “Ngày xưa ma cà rồng cái mặc đồ gì?”. Bạn lên www.google.com và gõ câu hỏi vào. Google bó tay.
Hãy thử đăng ký tài khoản tại www.answer.google.com , www.ingenio.com hay www.wondir.com , bạn sẽ nhận được câu trả lời nếu đồng ý trả phí dịch vụ. Mức giá dao động từ 0 – 200 USD, tùy trang web và độ khó của câu hỏi.
Hãy hỏi, sẽ có người trả lời
David Sarokin, một trong 500 chuyên viên tìm kiếm trên mạng của Google, cho biết mỗi ngày phải trả lời những câu hỏi ở tất cả lĩnh vực trong cuộc sống. Từ “Hãy kể tên hai ngôi sao mọc sớm nhất ở phía tây bắc bầu trời” hoặc “Cho tôi danh sách những cái tên lãng mạn và văn vẻ cho ngôi nhà mới” đến “Ngày xưa ma cà rồng cái mặc đồ gì và cách bảo vệ khỏi ma cà rồng”!
Sau khi trả lời xong câu hỏi về ma cà rồng, Sarokin nhận được 75% trong số 4$ mà người hỏi phải trả. Theo qui định, khách hàng sẽ đặt câu hỏi và đưa ra giá cả. Nếu cảm thấy mức phí xứng đáng thì coi như “hợp đồng” đã hoàn tất. Nếu khách hàng đưa ra số tiền công quá ít thì chuyên viên sẽ từ chối. Tuyệt đối không có việc trả giá giữa khách hàng và chuyên viên.
Sarokin đã từng nhận được những phi vụ “hời” hơn nhiều. Có lần anh đã nhận được 120 USD để trả lời cho câu hỏi “những thứ cần thiết khi thực hiện một cuộc thám hiểm giữa các tảng băng nổi ở Bắc cực”, hoặc lần anh nhận 25 USD cho câu hỏi “số tội phạm máy tính trong năm 2004”. Không như Google, Ingenio cho phép khách hàng chọn một chuyên viên tư vấn riêng, đặt câu hỏi rồi chờ một cú điện thoại trả lời với giá đã thỏa thuận trên web.
Trong khi đó Wondir hoàn toàn miễn phí, do đó độ chính xác của thông tin “cần phải được kiểm tra lại”. Không có chuyên gia, câu hỏi của bạn sẽ được những người cùng online, có quan tâm đến vấn đề trả lời. Đôi khi đúng và đôi khi sai hoàn toàn.
Ông Matthew Koll, giám đốc điều hành của Wondir, cho biết hằng ngày hệ thống trả lời của ông nhận được khoảng 10.000 câu hỏi và 40% trong số này được trả lời trong vòng 10 phút.
Khách hàng nói gì?
Các khách hàng thường không tiếc vài trăm USD để có được những thông tin nhanh và tương đối chính xác từ Answers Google. Để có được đáp án cho những “câu hỏi trời ơi” thì họ thường phải trả những số tiền cao hơn nhiều tại các trung tâm tư vấn đặc biệt. Gặp phải những câu hỏi về vấn đề nhạy cảm như đời tư…, các chuyên viên sẽ thẳng thừng từ chối vì nó vi phạm pháp luật.
Thí dụ như khó có trung tâm tư vấn nào đáp ứng được yêu cầu cung cấp thông tin về chỗ đậu xe tại trường đại học trong vòng 72 giờ cho Colin Colby – một người có nhu cầu thuê. Do đó anh ta đã vui vẻ trả 200 USD để có được thông tin từ Answers Google. Còn Chris Camisa, sống tại Chicago, sẵn sàng trả 1,49 USD/phút để được tư vấn kỹ thuật về cách sử dụng Windows XP.
Chuẩn bị thành lập công ty, Allister Clishman rất vui lòng trả 350 USD để nhận được danh sách hàng chục cái tên thích hợp cho nó ngay lập tức thay vì phải trả vài nghìn USD nên ông chọn các công ty tư vấn bên ngoài. Google cũng đã gửi một bản báo cáo 2.500 chữ với giá 350 USD để tư vấn cho một doanh nghiệp muốn bán website của mình.
Khách hàng có quyền đánh giá chuyên viên tìm kiếm theo thang điểm 5 sao. Nếu như bị khách hàng đánh giá quá thấp, chuyên viên tìm kiếm sẽ bị sa thải. Tuy nhiên không phải bất kỳ khách hàng nào cũng hài lòng về hệ thống hỏi đáp trên mạng.
Theo Kim Luân
Tuổi trẻ/New York Times/Dân trí